Trang

3 thg 12, 2011

đánh


Nhớ lại chuyện cũ, cách đây khoảng hai mươi mấy năm gì đó, trước nhà nó có một cặp vợ chồng, hơi sồn sồn rồi, có nghĩa là không phải ở tuổi teen mới lấy nhau.
Ông chồng tên là Bi, thường gọi  "Bi Lửa", chả là gã này tính nóng hơn Trương Phi, lại là dân có máu mặt, có chuyện gì không vừa ý là gã chửi vang trời đất, đj má, đs bà tùm lum, bất kể làng xóm có phiền lòng hay không, có nhiều khi phải chịu đựng nghe gã quậy cả đầu hôm cho ...tới sáng!
Mà chuyện đó là chuyện thường ngày của gã, ở cái xóm lao động này của nó.
Không ai dám lên tiếng vì gã này thuộc dạng ...đàn anh!
Đàn anh này ở trong giới giang hồ! Mình mẩy xâm đầy hình rồng, cọp!
Bà con đố mà dám...nhúc nhích, cục cựa!

Cái năm mà nhà nó dọn tới cái xóm này ở thì gã khoảng đâu hai chín, ba mươi tuổi.
Hình như gã lai Pháp hay Mỹ gì đó, mà sao nom gã coi chẳng được trai tí nào, dáng người tầm tầm, không cao không thấp, nước da thì trắng nhờ nhờ, cặp mắt tròng xanh nhạt lấn át cái tròng đen nhỏ xíu, làm cho ánh nhìn của gã khi chạm phải, thấy hơi rờn rợn.
Cái mặt gã lúc nào cũng câng câng, vênh váo như sẵn sàng ăn thua đủ với một ai dám đối đầu với gã.

Nghe đâu, mẹ gã sau khi sinh gã ra thì bỏ đi đâu biệt tích, để gã lại cho bà ngoại của gã cáng đáng gã cho tới bây giờ.
Hai bà cháu ở trong ngôi nhà củ kỹ, đằng trước nhà bà lợp cái quán bằng tôle đắp vá xiêu vẹo để bán ba thứ vặt vãnh linh tinh kẹo bánh, khoai lang, nước mắm, xì dầu, xà bông, dầu lửa , có cả rượu đế nữa... nói chung là các thứ tạp nham đủ để phục vụ cho trẻ con, dân nghèo trong xóm.
Lúc đó gã đã là tay đầu sỏ của một băng nhóm, chuyên đi làm những cái nghề mà không ai dám hỏi mà cũng không dám biết!
Còn nữa, hình như gã không biết đến trường lớp là gì?
Vì gã không thích đi học, vậy thôi.
Cả làng trên, xóm dưới ai cũng ớn gã.

Không dưng, có một ngày đẹp trời, gã quơ ở đâu một ả coi cũng được được, hơi nhỏ con một chút, tuy rằng...đen thui, nghe nói lai Chàm gì gì đó, về làm "phu nhân" cho gã...
Nghe hàng xóm "tám" là lúc mới rước nàng dzìa dinh, cặp này cũng ra rít lăm lắm, anh anh em em ngọt xớt, ríu ra ríu rít như đôi chim cu.
Từ dạo ấy, gã cũng bớt quậy làng, quậy xóm.
Thiên hạ chung quanh cũng hưởng lây được cảnh thái bình!

Khi đem ả về nhà, thì mấy tháng sau, bà ngoại gã qua đời.
Để lại cho vợ gã kế thừa cái quán nho nhỏ đó.
Nhìn vào thì cũng thấy êm đềm, ấm cúng.
Từ ngày có vợ, tính tình gã trở nên đằm hơn.
Bớt la lối, chửi bới.
Cả xóm bớt căng thẳng, hồi hộp!

Hehe... nhưng chưa được êm ấm đâu khoảng năm, ba tháng gì đó, bổng một đêm, cả xóm đang ngon giấc, giựt mình chồm dậy khi nghe tiếng la làng chói lói của đôi chim cu.
Bớ bà con ơi, nó giết tui rồi!
Kèm theo tiếng la khóc, là tiếng rượt đuổi huỳnh huỵch.
Có cả tiếng chó hùa nhau sủa, vang dậy cả xóm làng.
Mày chạy đâu? ĐM, mày muốn làm bà nội tao hả, con kia?
Mày đứng lại không? ĐM, tao mà không bắt được mày, tao làm con mày!
Mà thiệt, chỉ một loáng thôi, là gã đã túm được tóc của  con cu mái!
Láng giềng thân cận không ai dám chường mặt ra can, chỉ lấp ló ngó qua những cánh cửa he hé.
Khôn hồn thì chỉ nên làm khán giả thôi, lạng quạng mà tham gia chiến trường, có khi bị... trúng miểng, tan xác!

Không cần phải tận mặt chứng kiến, chỉ nghe tiếng bốp bốp, hự hự, tiếng chửi rủa lẫn theo tiếng la khóc chói tai của con cu mái là cũng đủ biết con cu mái này bị no đòn đến cỡ nào rồi!
Những khán giả bất đắc dĩ, lẳng lặng khép cửa rút êm vô nhà, không dám hó hé một câu.
Trả lại cho làng xóm, cái yên vắng của đêm.
Ủa, mà không, chen lẫn trong cái yên vắng của đêm, là tiếng khóc than ơ hờ của ả.
Nghe ai oán, não nùng!
Sáng ngày mai, thấy cái mặt của ả trầy trụa, hai con mắt bầm đen.
Không biết ba mẹ của ả đâu, nhưng nếu mà có ở đây, chắc cũng nhìn con hổng ra?!
Huhu...

Nhưng... đó mới chỉ là đêm dạo đầu cho khúc trường ca bất tận.
Từ đó, giống như là một thói quen, cứ vài ba bửa là cái cảnh hoạt náo ấy, tiếp diễn.
Quanh năm, suốt tháng.
Trước đó chỉ có mình ổng độc tấu.
Bây giờ, thêm ả, song ca cho có khí thế!
Riết rồi, cả xóm cũng quen, hôm nào không nghe những âm thanh náo nhiệt ấy.
Cũng thấy nhơ nhớ.
Hihi...

Có một điều lạ là, hể mà nó nhớ tới ả, là nó liên tưởng ngay tới hình ảnh người đàn bà có bầu.
Lúc nào cũng thấy cái bụng của ả thè lè!
Lúc to, lúc nhỏ, lúc sắp đẽ...
Khekhe...
Hình như ông Bi Lửa này đem ả dzìa là để sản xuất trẻ em cho đời hay sao ấy.
Tới bây giờ, chỉ sau hơn hai mươi năm, đôi chim cu đó đã thu hồi vốn chẵn một chục, một chục có đầu hẳn hoi. Nghĩa là mười hai đứa, vừa trai, vừa gái.


Có lần, gặp ả, nó hỏi, sao tui thấy ổng đánh chị quài, dzị chớ "Yêu" lúc nào mà đẽ lia lịa dzậy chị?
Ả bẽn lẽn trả lời,
thì tối chui dzô mùng, ổng năn nĩ, hun hít một hồi là... nguôi thôi mà em?
Ngó ổng nóng nảy, hung tợn dzị đó, chớ khi ổng xuống nước dỗ ngọt chị, thấy ổng tội nghiệp, thương lắm em ạ.
Haha... nó cười mà rớt nước mắt.
Té ra đàn bà nhẹ dạ dzậy sao ta?

Nhìn ả, khi nói câu đó, không có một chút hờn giận, oán trách gì cả. Ngược lại nó còn thoáng thấy trong ánh mắt của ả có một cái gì đó, như bằng lòng, như hạnh phúc...
Hình ảnh người đàn bà quần áo luộm thuộm, nhếch nhác, cái mặt vốn đen lại càng sẫm màu hơn với tháng năm vất vả vì sinh kế và một đám con lít nhít, loi nhoi...
Vậy mà, khi nói về ông chồng, hình như trong ả, chỉ có hình bóng của ổng thôi, ngoài ra đố có thằng nào khác chen chân! Híchíc...

Nó trộm nghĩ, còn cảnh mình thì sao?
Cũng có một ông chồng như ả, nhưng hơi khác một chút,
bề ngoài thì tươm tất khỏi chê, phong thái đỉnh đạc, ăn nói đàng hoàng, nói chung nhìn vào thì rỏ ràng anh thuộc vào tầng lớp trí thức, đạo đức có thừa.
Khác hẳn với gã Bi Lửa...
Vậy mà trong cuộc sống hằng ngày của hai vợ chồng nó, chỉ với những va chạm nho nhỏ thôi, cũng đã là một nhân tố làm căng thẳng không khí gia đình.

Người đàng hoàng ai mà chửi thề, đấm đá?
Người trí thức ai mà rượt vợ chạy vòng vòng khắp xóm?
Người đạo đức ai mà để cho người ngoài nhìn vào thấy mình không chỉn chu, nề nếp?
Mặc dù những cái bất bình, không vừa ý trong đời thường ai mà không có?
Nhưng vì sợ điều nọ, tiếng kia mà đành phải nén lòng.
Sợ mất cái hình tượng khuôn mẫu mà mình tự đặt ra cho mình, nên đành đóng vai lịch sự.
Cho nên, dù sao những ấm ức đó phải có lối thoát...
Người ít học thoát bằng cách dồn ấm ức xuống cái miệng chửi thề, đôi bàn tay đấm, hai bàn chân đá...
Kẻ trí thức thoát bằng cách đưa nỗi ức lòng lên đôi mắt...
Ôi! Đôi mắt biết nói...
Nó đọc thật rỏ ràng trong đôi mắt đó của anh, có đầy đủ những giận dữ không thốt thành lời, những cú đấm thôi sơn, và cả những cú đá tuyệt hậu.
Còn đau đớn gấp trăm ngàn lần cái cảnh rượt đuổi nhau, thượng tay, hạ chân của cặp vợ chồng Bi Lửa kia.
Chưa kể là đằng sau những bất mãn ngấm ngầm đó, là sự im lặng đáng sợ đến ngộp thở lúc đêm về.
Làm gì mà được dỗ dành, hun hít như đôi chim cu kia để mà sau đó đẻ sòn sòn hai năm một đứa!
Kết cuộc người vô học vẫn dzui dzẽ sống chung với nhau một bầy, tuy có hơi vất vả, trần tục một chút, nhưng họ đơn giản bằng lòng với cái họ đang có!
Còn kẻ tự cho là mình trí thức thì không có khả năng cứu vãn và giữ lấy hạnh phúc cho mình!

Không biết có đúng hay không?
Nhưng tự nhiên nó thèm được như ả,
Thà anh đánh nó bằng tay chân đi,
Để rồi đêm đến nó lại được anh xin lỗi, vỗ về,
còn hơn anh đánh nó bằng mắt như vậy.
Nỗi đau đớn đó làm tim nó tan nát,
và tình mình tan vỡ, anh ơi...

2 nhận xét:

  1. Chị! Gì chứ?
    Mình sẽ khoẻ mạnh tới lúc hiến xác nha, còn giờ thì tự mình làm mình vui không để buồn có đất nha......

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ! - Đọc lại bài này thấy Bạn của tôi gớm thật đấy (Tớ sẽ đánh đằng ấy bằng tay và...) Tha cho không đánh bằng mắt vì mắt tớ toét.
      2 - Ong nói hiến xác là hiến sao chứ ! Sống đơn thân khỏe re , Không được dại dột nha !

      Xóa
:)) w-) :-j :D ;) :p :-( :) :( :X =(( :-o :-/ :-* :| :-T :] x( o% b-( :-L @X =)) :-? :-h I-) :bh :8) :b) :-s :-r :O) :m)

Lên đầu trang
Xuống cuối trang